Hôm nay tôi rất vui được chuyện trò cùng võ sư – giáo sư, tiến sĩ Lê Kim Thành, trong dịp anh về thăm gia đình. Câu chuyện của huynh đệ chúng tôi thật chân tình, đầy thân thiện như trong một gia đình, gia đình Vĩnh Xuân. Anh Lê Kim Thành đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện về sư phụ mình, cố võ sư Trần Văn Phùng, những chuyện về việc truyền dạy môn Vĩnh Xuân của anh ở bên nước Nga cũng như những áp dụng cực kỳ hiệu quả môn Vĩnh Xuân vào trong suốt quá trình chữa bệnh của anh với những kết quả rất to lớn và giá trị. Niềm vui lớn nhất trong buổi chuyện trò cùng anh là được anh cho xem những bức ảnh vô cùng giá trị với tính lịch sử sâu sắc trong môn Vĩnh Xuân Việt Nam.
Đó là bức ảnh Sư tổ Nguyễn Tế Công và con trai, anh Nguyễn Chí Thành, chụp cùng năm người học trò của Sư tổ. Bức ảnh tôi có và đã đưa lên trang Web của chúng tôi là bức ảnh Sư tổ và anh Nguyễn Chí Thành chụp với sáu người học trò. Điều đáng quý là đằng sau bức ảnh còn bút tích của cố võ sư Trần Văn Phùng đề rõ “chụp 6 giờ chiều ngày 18 – 3 - 1953”.
Cố võ sư Trần Văn Phùng còn ghi rõ những người trong ảnh theo trình tự: Cụ Phùng, cụ Liễu, cụ Phương, cụ Việt Hương, cụ Tuyển (Tiển) - Chữ “cụ” do tôi ghi. Rất tiếc bức ảnh đã không còn nhìn được rõ mặt các cụ. Bức ảnh thứ hai cũng vô cùng giá trị đó là bức ảnh chụp một người đang tập mộc nhân. Anh Kim Thành cho biết đó là một người học trò của cố võ sư Trần Văn Phùng tên là Tâm. Đằng sau bức ảnh cũng được cố võ sư Trần Văn Phùng ghi rõ ngày chụp “Ngày 1 - 1 - 1951”. Hình dáng cây mộc nhân rất rõ ba tay với thế đánh khuôn phép và chân xoay chính xác. Tôi vô cùng xúc động trước những tấm ảnh đầy giá trị lịch sử trong môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam. Được sự đồng ý của anh Lê Kim Thành, tôi đã làm lại bức ảnh để có thể nhìn được tốt hơn và hôm nay xin được đưa lên trang Web để chia sẻ niềm vui cùng các huynh đệ trong môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam và các bạn yêu quý môn Vĩnh Xuân.


Tôi rất cảm ơn và biết ơn tấm lòng của võ sư – giáo sư, tiến sĩ Lê Kim Thành đã gìn giữ những bức ảnh vô cùng quý giá và đầy giá trị lịch sử trong môn Vĩnh Xuân Việt Nam của chúng ta trong bao năm qua và giờ đây đã cho tôi cũng như tất cả mọi người chúng ta được xem.
Tôi cũng rất cảm ơn tình cảm của anh đã chia sẻ cho tôi những câu chuyện rất giá trị về lịch sử môn Vĩnh Xuân trước đây (thời kỳ của các bậc sư phụ), những câu chuyện trong bước đường truyền dạy môn Vĩnh Xuân và chữa bệnh cho mọi người của anh trên đất nước Nga vĩ đại.
Một lần nữa, cho phép tôi được trân trọng giới thiệu cùng mọi người hai bức ảnh đầy giá trị lịch sử này.
Hà Nội ngày 17 tháng 5 năm 2010
Võ sư - kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường Vĩnh Xuân Nội gia
Võ sư - kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường Vĩnh Xuân Nội gia
Tin mới hơn:
- 18/07/2010 - Về chuyến đi Ba Lan năm 2010
- 02/07/2010 - Lễ giỗ Tổ năm 2010 đầy ý nghĩa và cảm động tại võ đường Đại Nghĩa Vĩnh Xuân Nội gia
- 29/06/2010 - Giới thiệu giao diện mới trang chủ website võ đường Vĩnh Xuân Nội gia
- 07/06/2010 - Những dấu ấn của võ đường trong những ngày đầu tháng 6 năm 2010
- 23/05/2010 - Một bài viết về Vĩnh Xuân rất gần với nguyên lý của Vĩnh Xuân Nội gia
Tin cũ hơn:
- 10/05/2010 - Niềm hạnh phúc đậm nghĩa tình sâu nặng
- 10/05/2010 - Một số trao đổi về việc ra sách và những chuyện liên quan
- 04/05/2010 - Về cuốn sách "Hành trình về Phương Đông"
- 05/04/2010 - Về Lễ bế giảng Lớp B2
- 15/03/2010 - Tin về Đại hội Liên đoàn võ thuật và thể thao chiến đấu Châu Á - Ba Lan (nhiệm kỳ 2010-2015)